Gia Lai – Vùng đất kiên cường trong kháng chiến

Cập nhật 08/4/2022, 07:04:45

Những chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là bản anh hùng ca tuyệt vời về lòng yêu nước, sự hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Nhiều địa danh, tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại, còn mãi mãi chói sáng, lưu truyền trong sử sách. Đó là những anh hùng lực lượng vũ trang như Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng…; những chiến công vang dội như Chiến thắng Plei Me; Cheo Reo, Phú Bổn…; hay những địa danh anh hùng như xã Gào-Bàu Cạn, Đường 7-Sông Bờ… ; góp phần giải phóng Gia Lai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Trong suốt những năm kháng chiến, xã Gào-Bàu Cạn ngày ấy là quê hương cách mạng kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Mặc dù nằm sát các căn cứ quân sự của Quân đoàn 2 – Quân khu II ngụy, thế nhưng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với truyền thống đoàn kết, một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng; xã Gào-Bàu Cạn luôn là cơ sở bàn đạp của Khu 9 cách mạng, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ của bộ đội ta. Đặc biệt để nuôi giấu cách mạng, nhân dân xã Gào-Bàu Cạn đã hình thành nhiều rẫy kháng chiến, quyên góp hàng trăm tấn lương thực. Gần 400 gia đình, cá nhân đã đóng góp cho cách mạng hơn 40 tấn lương thực, hơn 3.000 ngày công làm đường, đào giao thông hào; tham gia vận chuyển 15 tấn vũ khí các loại phục vụ chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào Jrai ở xã Gào đã luôn sát cánh cùng công nhân hái chè ở đồn điền chè Bàu Cạn tiến hành các cuộc đấu tranh cả về chính trị lẫn quân sự, làm thất bại nhiều âm mưu của địch; góp công, góp của xây dựng xã thành khu căn cứ hậu cần vững chắc. Nhiều người con của xã Gào đã anh dũng ngã xuống để đất nước nở hoa độc lập hôm nay. Với những thành tích to lớn trong kháng chiến, xã Gào đã vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1976 và 1978.

Ông Rơmah Thanh – Xã Gào, TP.Pleiku, Gia Lai xúc động kể: “Bằng quyết tâm giữ được mảnh đất xã Gào, lòng biết căm thù giặc nên hi sinh rất nhiều. Kể cả nam nữ cũng đều căm thù đối với giặc cho nên cầm súng; mỗi người từ du kích thôn, du kích xã và cả người dân, cứ phục gặp đâu đánh đó”.

Với những người đã từng chứng kiến cuộc tháo chạy của quân địch trên Đường 7 như ông Lít, bà Hoát thì Cheo Reo – Phú Bổn và chiến thắng huyền thoại Đường 7 – Sông Bờ vào tháng 3/1975 đến nay vẫn luôn là niềm tự hào. Nhớ lại ngày ấy, sau khi bộ đội ta giành chiến thắng ở Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975, Đường 7 qua huyện Ayun Pa đã trở thành con đường “rút chạy” duy nhất của địch. Thế nhưng với vị trí chiến lược đặc biệt, cũng chính nơi đây đã khiến địch rơi vào thất bại thảm hại. Sư đoàn 320, Trung đoàn 95 đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên nhanh chóng điều động đến, cùng với toàn bộ lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích các huyện dọc đường số 7 và H2, H3 vào trận thần tốc truy kích, bao vây, tiêu diệt địch trên đường số 7. Ngày 24/3/1975, cuộc truy kích thần tốc của quân ta trên Đường 7 kết thúc thắng lợi. Bộ đội Sư đoàn 320 cùng quân dân trong tỉnh, mà trực tiếp là quân dân huyện Ayun Pa, Krông Pa đã làm tan rã hoàn toàn tàn quân ngụy tháo chạy từ Pleiku, bắt sống 8.000 tên địch, thu và hủy 1.400 xe quân sự các loại. Chiến thắng lịch sử Đường 7 đã góp phần mở đường để quân và dân ta từ Tây Nguyên tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Văn Lít – Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai hồi tưởng: “Quân ngụy từ Kon Tum, Gia Lai kéo xuống tới Sông Bờ thì bắt đầu gặp bộ đội đánh tại đó, cho nên bọn tàn quân sau đó chạy tách hai bên xuống đèo Tô Na và xuống ở buôn Ơi Nu, huyện Krông Pa (là H2 hồi trước). Thế thì bắt đầu gặp chúng tôi. Chúng tôi thì cả quân đội, cả bộ đội huyện nữa tập trung ra đánh tàn quân, thì nó mới tách ra hai bên bờ. Một cánh thì đi bên kia sông Ba, một cánh thì đi bên phía núi, hai bên đường 7. Bọn tàn quân đó thì hung hãn lắm, đi gặp đâu bắn đó. Thế thì dân là chúng tôi vận động cứ đi chính giữa đường”.

Bà Nguyễn Thị Hoát – Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai kể lại: “Bắt đầu đi thu súng là từ Phú Cần đây đi miết, đi miết, cả đoàn đông lắm, cả bộ đội nữa chứ không phải là 1, 2 người đâu. Từ Phú Cần đây mà đi thu theo bờ sông Ba thẳng lên tới Sông Bờ luôn, tới Ayyun Pa luôn. Hồi chỗ Sông Bờ đó là lính chết nhiều lắm, lên đó thu súng rồi 2,3 ngày lại quay về đây”.

Vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, trong suốt chiều dài của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, những vùng đất, những người dân của Gia Lai kiên cường, bất khuất đã lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giang sơn thu về một mối.

Và hôm nay, truyền thống anh hùng cách mạng ấy vẫn tiếp tục được phát huy để viết thêm những trang sử vẻ vang trong công cuộc dựng xây đất nước, xây dựng quê hương Gia Lai ngày thêm giàu mạnh./.

Mỹ Tiến, Viễn Khánh, CTV Sơn Trung (Huyện Krông Pa)


Lượt xem: 27

Trả lời