Ghi nhận ngày làm việc đầu tiên Hội thảo khoa học quốc tế Kỹ nghệ Đá cũ An Khê

Cập nhật 30/3/2019, 15:03:44

Hôm qua 29/3, tại thị xã An Khê đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế về Kỹ nghệ Đá cũ An Khê. Đây là sự kiện quan trọng về khảo cổ học, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều học giả trong và ngoài nước. Về phía chính quyền địa phương (tỉnh Gia Lai) đã phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức thành công sự kiện này. Sau đây là phản ánh của PV Đài PT-TH Gia Lai trong ngày làm việc đầu tiên.

Sáng ngày 29/3 tại 3 điểm di chỉ khảo cổ, các đại biểu đến tham quan thực tế, gồm: Rộc Tưng1, Rộc Rưng 4 và Gò Đá. Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin quý giá, giới thiệu khái quát cấu tạo các tầng văn hóa của di chỉ khảo cổ An Khê, phương pháp tiếp cận nghiên cứu để xác định niên đại của sơ kỳ Đá cũ An Khê…

Sau khi tham quan tại các điểm di tích, nhiều học giả trong và ngoài nước nhận định: Đối với các địa điểm di chỉ khảo cổ ở An Khê ngoài có những nét tương đồng với các điểm di tích khảo cổ ở Châu Á, như Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc… những hiện vật thu được tại đây còn có thêm những điểm khác biệt…

PGS. Rasmi Shoocong Dej, Chuyên gia khảo cổ học Thái Lan phát biểu: “Điểm khác biệt của di chỉ khảo cổ học nơi đây là các vật dụng được phát hiện rất rõ ràng, cho chúng ta cái nhìn chính xác về nguồn gốc lịch sử, thời gian, niên đại tồn tại của Người vượn đứng thẳng, điều này rất có ý nghĩa. Tôi nghĩ, nếu tiếp tục nghiên cứu tiếp ở những tầng địa chất sâu hơn thì còn có thêm những điều bí ẩn…

 Trong chuỗi các hoạt động của hội thảo, chiều nay, các đại biểu đã đến dâng hương, dâng hoa tại di tích An Khê Đình và một số địa điểm di tích thuộc quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Tây Sơn Thượng đạo. Được thưởng thức màn trình diễn cồng chiêng của đội cồng chiêng nhí thị xã An Khê; với nhiều học giả nước ngoài lần đầu đến An Khê, Gia Lai, những hình ảnh này đã thực sự để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp…

Chuyên gia khảo cổ học Masojc Mirolaw, Ba Lan cho biết: “Tôi thấy khá thú vị, các em nhỏ ở đây đánh cồng chiêng rất tốt. Văn hóa của các bạn rất phong phú và có nhiều điều thú vị”.

Tham quan tìm hiểu hiện vật Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo, các đại biểu, học giả đã có thêm cái nhìn sâu sắc, cũng như có thêm thông tin để tham gia các ý kiến thảo luận, phản biện trong hội thảo được tổ chức vào ngày mai…

PGS.TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Tại Hội thảo  nhiều báo cáo tham luận, cũng như các ý kiến phản biện của các đại biểu sẽ được trình bày. Đây là cơ sở giúp cho chúng ta có cái nhìn đa chiều, chính xác để có những định hướng trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ này tại An Khê”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, Gia Lai cũng cho biết: “Về phía thị xã An Khê, trong ngày mai chúng tôi sẽ tham gia thảo luận chuyên đề “ Định hướng bảo tồn và phát hy giá trị di sản văn hóa khảo cổ Đá cũ ở An Khê”, với nhiều nội dung quan trọng đề cập công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích này… Chúng tôi cũng kỳ vọng, Hội thảo với hoạt động chính diễn ra vào ngày mai sẽ thu được nhiều kết quả ý nghĩa, để sắp tới di tích Đá cũ An Khê sẽ được công nhận là di tích cấp quốc gia”.

Ngày30/3, Hội thảo sẽ chính thức diễn ra các hoạt động chính, với nhiều báo cáo tham luận của các học giả trong và ngoài nước. Tại Hội thảo lần này, có hơn 20 nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ ở các nước đến tham gia.

Song Nguyễn – Kim Ngân – Thanh Sáng


Lượt xem: 124

Trả lời