Đến Gia Lai – cùng hành trình du xuân trên miệng núi lửa

Cập nhật 20/1/2017, 08:01:01

Những ngọn núi lửa đang phun trào hoặc tạm ngủ yên luôn lãng mạn và gợi nhiều xúc cảm khám phá. Núi lửa đã tắt không chỉ là di sản địa chất mà còn là các ô cửa huyền diệu nhất để hiểu thêm lịch sử hình thành vùng đất mà mà mình đang  sinh sống.

không ít người sẽ bất ngờ hơn khi biết mình đang sống giữa một “công viên địa chất” khổng lồ với những thắng cảnh tuyệt mỹ như đỉnh Hàm Rồng, “mắt ngọc” Biển Hồ, “bức tranh hoa” Chư Đăng Ya, tất cả đều là dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước.

Ở cửa ngõ quốc lộ 14 chạy từ Buôn Ma Thuột sang Gia Lai, thành phố cao nguyên Pleiku đón chào du khách bằng núi Hàm Rồng. Từ điểm nhìn đó, du khách sẽ thấy rõ núi Hàm Rồng là miệng núi lửa nổi tiếng nhất Tây Nguyên với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là đỉnh cao nhất khu vực Pleiku. Núi Hàm Rồng mang đầy đủ những đặc tính tiêu biểu của một miệng núi lửa dương.

Và khi nói đến núi lửa dương, không thể không nhắc đến núi Chư Đăng Ya. Chư Đăng Ya nằm cách thành phố Pleiku chừng 30 km. Ngọn núi này vốn là một miệng núi lửa đã tắt còn nguyên hình phễu của dòng nham thạch phun trào từ lòng đất cách đây hàng triệu năm. Từ xa du khách dễ thấy một ngọn núi hình nón cụt kiêu hãnh, nổi bật với vàng rực rỡ của những thảm hoa dã quỳ, đan xen với màu xanh non của những ruộng khoai lang. Để lên được đỉnh núi không phải là điều dễ dàng, chỉ có cây cỏ dại là điểm tựa cho du khách chinh phục những con dốc thẳng đứng, khúc khuỷu và dễ trơn trượt. Nhưng bù lại, khi leo lên tới miệng núi lửa, bước chân lữ khách sẽ như lạc vào một lòng chảo khổng lồ, một cái sân giác đấu của châu Âu thời Trung cổ với mặt sân phẳng lì và tròn vạnh, bao quanh là thành núi dựng đứng 45 độ nghiêng.

Chị Trần Bảo Hân-du khách đến từ Nghệ An chia sẻ: “Đến được đỉnh Chư Đăng Ya có một cảm xúc thật tuyệt vời. Quang cảnh ở đây quá tuyệt vời”.

Giữa màu xanh ngắt của đất trời vào xuân, du khách có thể thảnh thơi hít hà mùi hương của hoa cỏ đồng nội, của khí trời trên cao nguyên lộng gió sau một hành trình leo núi mệt mỏi. Điều đặc biệt, so với những nơi khác ở Gia Lai, nhiệt độ ở Chư Đăng Ya luôn cao hơn 1-2 độ do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn. Nhưng kỳ lạ hơn cả, cũng vào mùa khô khắc nghiệt, ngay trên miệng ngọn núi này sự sống vẫn đang sinh sôi hằng ngày. Đã từ hàng triệu năm, miệng núi lửa này không hề có nước và không ai mang nước lên đây được, đồng nghĩa với các loại cây trồng ở đây không được tưới tắm từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch. Tất cả chỉ trông mong vào những cơn mưa hiếm hoi hoặc của khí trời và sương đêm. Thế nhưng những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng vẫn đều đặn cho vụ mùa bội thu.

Trong chuyến khảo sát các điểm đến du lịch ở Gia Lai, các công ty lữ hành du lịch thuộc CLB Du lịch cộng đồng của Hiệp hội lữ hành Việt Nam cùng chúng tôi leo lên đỉnh Chư Đăng Ya. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Chư Đăng Ya và không bỏ lỡ tiềm năng của một thắng cảnh tự nhiên, trong thời gian tới các công ty lữ hành sẽ mở các tour đưa khách đến với Gia Lai.

Anh Hoàng Quỳnh-Chủ tịch CLB Du lịch cộng đồng Việt Nam  cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ kết nối và mở nhiều tour để đưa khách đến với Gia Lai”.

Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 6km về hướng Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí và lãng mạn, Biển Hồ được coi là “mắt ngọc cao nguyên” và là điểm du lịch lý tưởng đối với nhiều du khách khi đến Pleiku. Khí hậu ở đây quanh năm ôn hòa, mát mẻ và dẫu có nắng hạn đến đâu nhưng từ trước đến giờ nước Biển Hồ chưa bao giờ cạn, quanh năm ăm ắp và xanh trong, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Ở mỗi khoảnh khắc, góc độ, Biển Hồ lại có một vẻ đẹp khác nhau và khơi gợi những nỗi niềm tâm trạng khác nhau. Có lẽ vậy nên bất kỳ du khách nào có dịp đến với Phố núi Pleiku xinh đẹp đều phải đến một lần để được chiêm ngưỡng tận mắt danh thắng đặc biệt và độc đáo thơ mộng được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”.

Chư Đăng Ya hay đỉnh Hàm Rồng và danh thắng Biển Hồ – những dấu tích núi lửa điển hình còn sót lại trên cao nguyên Pleiku, việc tổ chức một tour du lịch leo núi lửa thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi lửa dương hay thư giãn bên mắt ngọc Biển Hồ là sẽ đem đến một luồng gió mới, đầy cuốn hút với bước chân phiêu du, thích khám phá những điều mới lạ, độc đáo của du khách và  hành trình khám phá núi lửa hiện đang là đích ngắm của ngành du lịch Gia Lai./.

Vân Anh, Duy Linh


Lượt xem: 247

Trả lời