Đài PT-TH Gia Lai – Xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Gia Lai

Cập nhật 30/8/2013, 15:08:18

Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày Đài Phát thanh truyền hình tỉnh phát sóng chương trình đầu tiên (10- 11- 1976/ 10-11/2011). Từ  những bước chập chững ban đầu đầy bỡ ngỡ trong hoàn cảnh cả đất nước, địa phương còn nhiều khó khăn gian khổ, đến nay Đài đã trưởng thành, tiến bộ về mọi mặt và ngày càng phát triển.

Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày Đài Phát thanh truyền hình tỉnh phát sóng chương trình đầu tiên (10- 11- 1976/ 10-11/2011). Từ  những bước chập chững ban đầu đầy bỡ ngỡ trong hoàn cảnh cả đất nước, địa phương còn nhiều khó khăn gian khổ, đến nay Đài đã trưởng thành, tiến bộ về mọi mặt và ngày càng phát triển . Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đài càng có ý nghĩa khi đúng vào dịp Đài Phát thanh, Truyền hình Gia Lai vừa chính thức phát sóng chương trình truyền hình lên vệ tinh, đây là cột mốc rất quan trọng trong suốt 35 năm xây dựng và trưởng thành của ngành.
Điểm lại một vài chặng đường đã đi qua để có thể thấy rõ hơn sự phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Đài PT- TH tỉnh nhà. Từ những ngày đầu chỉ có truyền thanh phát trên địa bàn thị xã PleiKu, thời gian ngắn sau đó  Đài tỉnh đã có các chương trình phát thanh, hàng ngày được truyền đi trên làn sóng điện. Từ chỗ chỉ tiếp phát lại các chương trình của Trung ương, Đài tỉnh đa tiến lên tự sản xuất được các chương trình thời sự phát định kỳ hàng tuần , rồi sau đó là các chương trình khép kín trong tuần, với nhiều chuyên mục ngày càng phong phú hấp dẫn khán, thính giả. Cùng với các chương trình tiếng phổ thông, các chương trình tiếng dân tộc cũng được đặc biệt quan tâm. Sự ra đời của các chương trình truyền hình tiếng dân tộc ( vào tháng 5/2001) đã đưa Gia Lai vào danh sách những đài địa phương đầu tiên trên toàn quốc có chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số . Về kỹ thuật từ chỗ chỉ có vài chiếc máy phát sóng phát thanh, truyền hình thế hệ cũ, công suất nhỏ, đến nay Đài tỉnh đã có hệ thống thiết bị khá đồng bộ và hiện đại với các máy phát sóng  có công suất lớn, trong đó Trạm phát sóng Hàm Rồng với máy phát hình 10kw do tỉnh đầu tư, vừa đưa vào hoạt động đã nâng tầm phủ sóng của Đài tỉnh rộng khắp địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, báo chí nói chung, phát thanh truyền hình nói riêng đều có vị trí quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân; nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, với những thuận lợi đan xen nhiều thách thức, thì những người làm báo càng phải phát huy vai trò là những người lính trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại cái xấu, bảo vệ cái tốt, lấy cái tích cực để đẩy lùi cái tiêu cực, động viên tinh thần thi đua yêu nước của toàn dân, phát hiện và biểu dương những nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn làm tốt những điều ấy, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Đài tỉnh và toàn ngành phải tập trung thực hiện một số vấn đề trọng tâm sau:
Trước hết phải quan tâm xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có phẩm chất đạo đức tốt năng lực chuyên môn vững vàng, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng phụ vụ và phục vụ hết mình cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt hơn ai hết những người làm báo phải có tinh thần dũng cảm, trung thực, khách quan, dám dấu tranh thẳng thắn trước những biểu hiện tiêu cực, sai trái và cũng kiên quyết bảo vệ cái đúng, lẽ phải, cho dù điều đó có thể dẫn đến những thiệt thòi, nguy hiểm cho bản thân.
Tỉnh đã và đang có sự quan tâm đầu tư rất lớn cho sự nghiệp Phát thanh – truyền hình, đặc biệt là vừa qua đã đầu tư để Đài tỉnh phát sóng chương trình truyền hình lên vệ tinh Vinasat 1. Bước đầu đã thành công nhưng vấn đề là phải làm sao để chương trình của chúng ta ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn. Bên cạnh việc thực hiện tốt mảng chính luận trên sóng, cần quan tâm đầu tư cho các chương trình văn hóa, văn nghệ thể thao, giải trí, có như thế mới thu hút được khán giả, góp phần quảng bá cho tỉnh và nâng cao chất lượng cho Đài. Để đạt được điều này, Đài tỉnh phải mạnh dạn xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình, đồng thời phải làm tốt công tác giám sát nội dung. Chương trình nào không tự sản xuất được thì có thể trao đổi hoặc mua, chương trình nào anh chị em có thể tự làm được, thậm chí là làm tốt thì cần mạnh dạn đầu tư để sản xuất. Có như vậy thì mới phát huy được khả năng sáng tạo, khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ, phóng viên và  tiết kiệm được ngân sách của Nhà nước, tiền bạc của tập thể.
Mặt khác , Đài tỉnh phải cố gắng liên kết thật tốt với các đài bạn, đặc biệt là ở các thành phố lớn để truyền dẫn chương trình truyền hình của Gia Lai đến với quảng đại khán giả. Nhưng trước hết phải tìm mọi cách để cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa đều có thể dễ dàng thu được sóng truyền hình Gia Lai.         Bên cạnh việc đầu tư thì Đài tỉnh cũng phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng các chương trình phát thanh, vì đó là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh và hiệu quả. Đài PT- TH tỉnh là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc  Gia Lai, tiếng nói ấy phải đúng với quan điểm đường lối của Đảng, phải hấp dẫn và thu hút người nghe, người xem. Muốn làm được điều đó, những người làm báo nói,báo hình tỉnh nhà vừa phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa phải có dũng khí, nhiệt tâm với nghề. Muốn làm báo tốt mỗi cán bộ, phóng viên của Đài tỉnh trước hết phải học tập thấm nhuần và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng bộ và nhân dân giao phó, tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Đài PT – TH tỉnh và toàn ngành phải phát huy tốt dân chủ, xây dựng đơn vị thành một tập thể đoàn kết, mà trước hết là phải có được một tập thể lãnh đạo có chung tiếng nói. Quan tâm đào tạo và trọng dụng những người làm báo giỏi, có nhiệt huyết, phải lấy uy tín nghề nghiệp và hiệu qảu công việc làm thước đo cán bộ, phóng viên. Lãnh đạo Đài ngoài tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyên môn, cần quan tâm đến tâm tư tình cảm, chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức, người lao động; tạo điều kiện hết sức để những người làm báo sống được bằng nghề và tâm huyết với nghề.
Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày phát sóng chương trình đầu tiên của Đài PT – TH Gia Lai, tôi trân trọng gửi đến các thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Đài lời chúc sức khỏe, lời chào trân trọng nhất. Tôi tin tưởng rằng: Đài PT- TH Gia Lai sẽ có một vị trí xứng đáng trong hệ thống phát thanh – truyền hình của đất nước, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh

Phạm Thế Dũng


Lượt xem: 422

Trả lời