Cử tri Cần Thơ mong người Việt làm cao tốc Bắc-Nam

Cập nhật 19/6/2019, 07:06:32

Ngoài việc xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, cử tri Cần Thơ, Sóc Trăng và TP.HCM còn quan tâm đến giáo dục, giá điện, chất lượng cầu, đường.

Vừa qua, tại UBND phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Cần Thơ do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV.

Ai làm cao tốc Bắc-Nam?

Cử tri Phương Đạt Thanh nói rằng từ một số công trình do nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc thực hiện vừa qua đã xuất hiện nhiều điều tiếng về chất lượng kém, thời gian thi công kéo dài, đội vốn liên tục. “Tôi không đồng tình nhà thầu Trung Quốc làm cao tốc Bắc-Nam. Người Việt Nam mình hoàn toàn có đủ khả năng làm đường cao tốc. Người Việt mình đang làm đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Rồi tới đây làm tiếp đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ. Vậy vì sao lại dành chỗ, để cho người nước ngoài vào?” – ông Thanh bức xúc.

Cũng quan tâm đến giao thông, cử tri Dương Đình Quý nói: “Ý kiến cá nhân tôi, đường giao thông ở ĐBSCL phải có sự đầu tư của Nhà nước nhiều hơn về mức tiền và hình thức đầu tư chứ không nên áp dụng hình thức đầu tư BOT. Hình thức này vừa qua có nhiều vấn đề mà báo chí đã nêu rồi. Trong đó nổi lên vấn đề chỉ định thầu không minh bạch khiến người dân bức xúc” – ông Quý nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cao tốc Bắc-Nam đến nay chưa đấu thầu. Tuyến cao tốc này sẽ tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, sẽ được kiểm soát chặt chẽ chứ không phải chỉ định cho nhà đầu tư này, nhà đầu tư kia làm.

Cử tri Cần Thơ mong người Việt làm cao tốc Bắc-Nam - ảnh 1
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ chiều 17-6. Ảnh: THÙY DUNG

Giá điện tăng, kéo đời sống đi xuống

Về bậc thang tính giá điện, cử tri Phương Đạt Thanh cho rằng giờ người dân vùng nông thôn cũng xài máy giặt, đồ điện nhiều. Do đó, một hộ xài 200 kWh/tháng mới tạm đủ. Vậy mà chia bậc 1 có 50 kWh, bậc 2 50-100 kWh thì quá ít, đề nghị điều chỉnh lại bậc thang này để phù hợp với đời sống người dân.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trước kỳ họp rất nhiều cử tri phản ánh về tăng giá điện ảnh hưởng đến đời sống. Hiện nay, theo thống kê cả nước có khoảng 3,9 triệu hộ có mức tiêu dùng 50 kWh trở xuống (chiếm khoảng 15% tổng số hộ dân dùng điện trên cả nước) và hộ tiêu dùng điện 50-100 kWh thì có 5,32 triệu hộ (chiếm 20,54%).

“Sau khi tiếp thu ý kiến của người dân về vấn đề giá điện, Chính phủ đã yêu cầu thanh tra và đánh giá lại bảng giá điện. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xem bậc thang điện, tác động của chính sách giá điện, quy định bậc thang điện nên xem lại cho phù hợp với mức sống của người dân hiện nay. Người dân vùng nông thôn bây giờ cũng dùng nhiều thiết bị điện, điện tử” – bà Ngân cho hay.

Sẽ có lộ trình xây dựng chuẩn chất lượng giáo viên

Cử tri Phương Đạt Thanh nêu câu hỏi về quy định sắp tới những giáo viên trình độ CĐ không được dạy tiểu học, THCS, vậy những người đã dạy mấy chục năm thì tính thế nào.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết việc nâng chất lượng này sẽ theo lộ trình chuẩn hóa để đảm bảo quyền lợi của giáo viên.

Liên quan đến Luật Giáo dục sửa đổi, bà Ngân cho biết đây là cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực. Liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng là một điểm mới. Chương trình giáo dục phổ thông cũng được quy định như một chương trình thống nhất trong toàn quốc và sẽ có nhiều sách giáo khoa để giảng dạy.

Thanh tra cầu, đường mới làm đã hỏng

Sáng 17-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng với Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Sóc Trăng đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Tuân Tức (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng).

Cử tri nêu ra hàng loạt vấn đề nóng như đường vừa xong đã hỏng, cầu, đường còn thiếu, nhỏ hẹp, chưa đồng bộ, chưa hiện đại. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phát biểu ghi nhận ý kiến cử tri, chia sẻ khó khăn với bà con cử tri. Theo Bộ trưởng Thể, những bức xúc của cử tri về hạ tầng là chính đáng. Ông khẳng định giao thông nông thôn hiện nay (các đường liên xã, liên huyện) còn nhỏ hẹp, gây khó khăn cho người dân khi tham gia lưu thông. Trách nhiệm nâng cấp các tuyến đường này thuộc về địa phương.

Với những phản ảnh của cử tri về nhiều con đường vừa làm xong đã hỏng, Bộ trưởng Thể đề nghị cấp có thẩm quyền ở địa phương cần thiết phải thanh tra, điều tra đột xuất, xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm, không để lãng phí, bức xúc trong nhân dân.

Theo Báo Pháp luật


Lượt xem: 13

Trả lời