Công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng

Cập nhật 01/1/2022, 10:01:51

Theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn hiện tỉnh Gia Lai đang ở cấp độ 2 (mức nguy cơ trung bình). Tương ứng với cấp độ nguy cơ này các biện pháp hành chính và các biện pháp sinh hoạt xã hội khác đã được nới lỏng theo quy định để hướng đến đạt trạng thái bình thường mới. Đây là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai.

Tính từ ngày 26/4 đến ngày 30/12/2021, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận trên 7.000 ca mắc Covid – 19, một con số vượt mốc trên 5.000 ca mắc mà địa phương đã xây dựng trong kịch bản cao nhất để ứng phó. Tuy nhiên, các kịch bản ứng phó cho từng tình huống theo từng cấp độ nguy cơ trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 đều đã được ngành y tế xây dựng và triển khai, tất cả đều hướng đến mục tiêu chủ động giám sát diễn tiến dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, tiến hành dập dịch nhanh và triển khai chăm sóc, điều trị F0 an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Tuấn , PGĐ phụ trách Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Đối với ngành y tế để thực hiện vấn đề thu dung, điều trị có hiệu quả cũng đã triển khai các phương án thích ứng với tình hình mới. Đã xây dựng phương án điều trị bệnh nhân từ xa và xây dựng các trạm xá lưu động để sẵn sàng điều trị bệnh nhân sớm nhất tại chỗ và đã triển khai phương án các bệnh việc điều trị Covid -19 phân tầng theo quyết định của Bộ Y tế và có kế hoạch linh hoạt trong điều trị, chuyển tầng phù hợp và đã triển khai thuốc kháng vi rút tại các bệnh viện điều trị, có kế hoạch ứng phó với từng tình huống khi dịch bùng phát ở mức độ cao thì sẽ sẵn sàng điều trị F0 mà không có triệu chứng tại nhà”.

Để chuyển đổi biện pháp đáp ứng sang kiểm soát dịch bệnh tại chỗ, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tập trung nguồn lực y tế cho công tác hồi sức cấp cứu, chăm sóc điều trị bệnh nhân mức độ trung bình và nặng tại các bệnh viện. Hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng thuộc 02 Bệnh viện Dã chiến và các cơ sở điều trị Covid – 19 trên toàn tỉnh đã được huấn luyện liệu pháp Oxy trong điều trị Covid – 19. Bởi nếu sử dụng oxy một cách hiệu quả sẽ giảm thiểu ca nặng và giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Ths, BS Đặng Thanh Tuấn, Bệnh viện Nhi đồng I, Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu dịch lan rộng chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống lực lượng của nhân viên y tế khác thì chất lượng chăm sóc đương nhiên sẽ không bằng anh, chị em ở chính khoa hồi sức cấp cứu cho nên là nhiệm vụ của lớp học này là không phải đào tạo cho bác sĩ hồi sức cấp cứu không mà đào tạo cho cả lực lượng nếu dịch xảy ra, lan rộng hơn chúng ta có thể huy động được lực lượng anh em đó tham gia điều trị Covid mới tốt được chứ nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn lực lượng dự bị đó thì khi dịch tăng nhanh chúng ta không thể trở tay kịp”.

Khi đã nắm vững về chuyên môn trong công tác điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid – 19, các bác sĩ sẽ có những xử trí nhanh nhất, hạn chế tối đa đặt máy can thiệp đối với bệnh nhân. Và dĩ nhiên ở đâu cũng vậy, công việc nào cũng thế, khi mình đã gắn bó và làm việc hết trách nhiệm thì kết quả mang lại sẽ món quà vô giá. Đối với lực lượng tuyến đầu cũng vậy, món quà đầu năm mới với họ là những bệnh nhân Covid – 19 lần lượt được xuất viện. Để từ đó họ có thêm động lực chiến đấu lâu dài trước biến chủng mới nguy hiểm hơn đó là biến chủng Omicron.

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn , Bệnh viện Dã chiến số 3 cho biết: “ Trong thời gian điều trị dài như thế này có 08 bệnh nhân tôi ấn tượng nhất, nếu như người ta không chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, về tinh thần thì có thể người ta không qua khỏi được vì bệnh rất nặng. Thậm chí có những lúc nhụt chí một tí là mình đã đặt máy can thiệp rồi, nguy hiểm lắm. Hiện tại còn 4 bệnh nhân tôi ấn tượng lắm, chiều qua tôi có họp giao ban với anh em ở đây tôi nói sự hồi phục của bệnh nhân là một bó hoa tặng anh, em mình’.

Ông Phạm Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 2 cũng cho biết: “Tôi đã tham gia Bệnh viện dã chiến từ đầu năm 2021 trước dịp Tết Nguyên đán năm vừa rồi, cũng như tất cả các anh em đã tham gia tuyến đầu rất là nhiều nên cũng hy vọng là sau khi được tiêm đủ 02 mũi vắc xin và đặc biệt là có kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đặc biệt là tiêm cho trẻ em nữa hy vọng cuộc chiến sắp tới đây sẽ sớm trở lại bình thường và khi đó chúng tôi sẽ được về lại với công việc thường ngày”.

Xác định công tác chống dịch cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vì vậy ngoài sự tham gia tích cực trong công tác điều trị của Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, các bệnh viện dã chiến mới được thành lập thì các bệnh viện tư nhân đã có đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh từ hỗ trợ tiêm chủng vắc xin đến thiết lập hệ thống điều trị.

 BS CKII Trương Đình Hưng, PGĐ Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai nói: “Bệnh viện được phân thành bệnh viện điều trị tầng 3, kế hoạch ban đầu là 50 giường sau đó nâng lên thì bệnh viện cũng có kế hoạch hết rồi, đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn oxy, bệnh viện có oxy để khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Gia Lai với số lượng lớn, bênh nhân nặng nhiều thì bệnh viện sẽ sẵn sàng cùng với tỉnh để tham gia điều trị’.

Tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm 2021 – 2021 tổ chức trong 3 ngày (8/12 đến ngày 10/12), đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ghi nhận và tri ân công lao to lớn của lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch của tỉnh trong suốt thời gian vừa qua:

 “Chúng tôi rất tri ân các lực lượng tuyến đầu: y tế, các lực lượng vũ trang; đặc biệt là quân đội, công an, các đồng chí đã ngày đêm để mà triển khai các biện pháp phòng, chống dịch không mệt mỏi. Có nhiều đồng chí đã thức suốt nhiều đêm, rồi thậm chí là chúng ta tăng cường lực lượng cho các tỉnh phía Nam để chúng ta tham gia hỗ trợ, thưa các đồng chí vất vả lắm. Được sự bình yên như hôm nay, được sự phát triển như hôm nay thì phải nói rằng công của các đồng chí này phải nói là công đầu; bởi nếu dịch bệnh mà tràn lan thì ta không thể phát triển được. Đồng thời đó là sự đồng lòng, thống nhất tuân thủ của người dân, tôi cho rằng đây là nhân tố hết sức quan trọng để ta thành công trong phát triển”.

Trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid – 19, theo đó đến thời điểm hiện tai có gần 97% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vắc xin, tiêm liều cơ bản đạt trên 81%. Còn đối với trẻ từ 12 – 17 tuổi địa phương tiêm mũi 1 đến thời điểm hiện tại cũng đã đạt gần 91%. Hiện tỉnh Gia Lai đã triển khai tiêm mũi 3, tiêm liều nhắc lại đối với lực lượng tuyến đầu và người dân từ 50 tuổi trở lên để tạo miễn dịch trong cộng đồng càng sớm càng tốt./.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 10

Trả lời