Côn Đảo – những ký ức về “địa ngục” trần gian

Cập nhật 29/4/2016, 09:04:12

Côn Đảo – quần đảo bao gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm ở phía Đông Nam đất nước, là một trong những nơi lưu giữ lại ký ức đau thương và tội ác bạo tàn của thực dân, đế quốc trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. "Địa ngục trần gian" trong tâm tưởng của của những thế hệ đi trước, nay hiện diện như một bóng hình quá khứ với sức lay động và tính giáo dục hết sức to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau. 

 

Cựu tù Nguyễn Văn Chự thăm lại Cô Đảo

Được người Pháp xây dựng vào năm 1862, trên hòn đảo mà nơi gần đất liền nhất tới 30 hải lý. Hệ thống nhà tù kiên cố với hàng loạt  nhà tù khác nhau theo kiểu Pháp, kiểu Mỹ, đây là hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương, nơi này đã che mắt dư luận, che giấu những tội ác dã man của  thực dân và đế quốc trong suốt 113 năm, nơi mà nhiều chiến sỹ cách mạng đã hy sinh dưới đòn roi tàn bạo của kẻ thù, máu của họ đổ xuống mảnh đất này, biến nơi đây thành một "địa ngục" khổng lồ.

Trong chuyến đi Côn Đảo lần này,  chúng tôi may mắn được được gặp và được nghe những người cựu tù yêu nước, những chiến sĩ kiên trung của tỉnh Gia Lai đã từng một thời bị giam giữ, tù đầy, chiến đấu nơi “địa ngục trần gian” này kể lại ký ức một thời khi bị giam cầm tại đây. Cựu tù Nguyễn Văn Chự bị địch bắt và giam cầm tại Côn Đảo năm 1953, năm nay đã bước sang cái tuổi 86, nhưng ông vẫn còn rất khỏe và khá minh mẫn kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc sống hằng ngày trong nhà tù Côn Đảo phải chịu nhiều sự ngược đãi của kẻ thù từ những đòn roi tra tấn, đến bữa cơm cũng không có mà ăn chỉ lõng bõng với mắm thúi, khô mực đắng nghét, chứa đầy đất cát bụi bặm, nước uống cũng khan hiếm, khi tắm phải gom phần nước của năm người lại cho một người, cứ phải luân phiên nhau như vậy.

Ông Nguyễn Văn Chự – Cựu tù Côn Đảo, Chủ tịch Hội cựu tù yêu nước huyện Mang Yang xúc động cho biết: “Sau 63 năm trở lại nhà tù Côn Đảo tôi hết sức xúc động, nhìn lại những hình ảnh tại nhà lao, những ký ức lại tràn về tôi lại nhớ và càng thấy thương tiếc các anh em bị cùm kẹp, bị tra tấn, đói khát mà đến bây giờ nhìn lại chúng tôi lại thì không thể quên được cư như vẫn hiện diện trước mắt. Riêng cá nhân tôi, thì tôi không thể quên được những tháng ngày bị địch tra tấn, bằng nhiều nhục hình, tôi bị địch thọc tiết nhưng may mắn sống sót và khi trở về tôi đã phục vụ đảng, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng.”

Nhà tù Côn đảo với hệ thống nhà giam chia làm 8 khu trại khác nhau và khu Biệt lập Chuồng bò, Chuồng cọp. Ghê rợn nhất ở đây là khu Chuồng cọp Pháp, đó là dãy 120 phòng biệt giam nhỏ hẹp, phía trên là song sắt kiên cố để bọn cai tù đi lại quan sát, kiểm tra tù nhân. Mỗi phòng giam ở Chuồng cọp Pháp chỉ khoảng hơn 10m2, nhưng thường xuyên chứa từ 5-11 người. Tù nhân ngày đêm bị còng chân vào cùm, vệ sinh ngay tại chỗ, điều kiện ăn ở tồi tệ và thường xuyên bị đánh đập bằng chày vồ, dùi cui, bị quăng vôi bột vào các vết thương nên ai nấy đều bị lở loét, chỉ còn da bọc xương, khắp người đầy sẹo, thương tật. Riêng chị em tù nữ còn thêm nỗi khổ hàng tháng khi đến kỳ không có đồ đạc để thay, phải xé gấu áo, gấu quần để lót, sau đó giặt bằng nước tiểu, chờ khô dùng tiếp. Ấy vậy mà những người chiến sĩ cộng sản, những người tù chính trị yêu nước vẫn có những cuộc đấu tranh rất quyết liệt, mạnh mẽ.

  “Lúc em học em không tưởng tượng được nó lại kinh khủng như thế này, không rùng rợn , không đến mức cực khổ như khi em ra đây em thấy, trong hoàn cảnh sống cực khổ khắc nghiệt như thế mà ông cha ta chịu đựng được em cảm thấy thật sự anh dũng, công lao quá to lớn…” em Nguyễn Thị Như Thành – Sinh viên ĐH Kinh tế công nghệ Tp.HCM nói.

Ông Niê Khôi – Cựu tù chính trị, PCT Hội cựu tù chính trị yêu nước TX.AyunPa thì chia sẻ: “Lần nay ra thăm lại Nhà tù Côn Đảo, tôi thấy lại được nhưng cảnh tù đầy, các anh em đã bị tra tấn dã man bằng nhiều hình thức, bị nhốt trong nhưng chuồng cọp, bị rắc vôi, bị cai ngục chọc bằng những thanh cây dài nhọn vào người, sinh hoạt thiếu thốn, bệnh tật… tôi thấy rất cảm động và rất căm thù đối với sự dã man của kẻ thù. Nhưng với mục đích lần này chúng tôi đi thăm lại chiến trường xưa, ôn lại kỷ niệm một thời và cùng nhau thắp cho anh em, đồng đội một nén nhang đã bỏ lại xương máu nơi đây…”

Nghĩa trang Hàng Dương buổi chiều nắng nhẹ, Đoàn cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai lặng lẽ cúi đầu mặc niệm trước anh linh 1.913 Anh hùng Liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang, cùng hàng chục ngàn hương hồn liệt sĩ đã vĩnh viễn hòa thân thể mình vào lòng đất Côn Đảo. Trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo (1862-1975), mệnh danh là “địa ngục trần gian”,  đã có hơn 20.000 người đã chết vì bị tra tấn dưới chế độ  tàn bạo của kẻ thù.

Bồi hồi, xúc động, khi trở lại thăm ông Nguyễn Văn Nam –  Hội viên Hội Cựu chiến binh TX.An Khê cho biết: “Khi về thăm lại Nghĩa trang Hàng Dương và nhà thù Côn Đảo, cảm xúc của tôi thực sự bồi hồi, xúc động. Tôi biết rằng, ông cha chúng ta, các cô chú, anh chị bị giam cầm, tù đầy ở đây rất gian khổ, đã hy sinh để bảo vệ đất nước, do đó ngày nay chúng ta cần phải giáo dục thêm cho thế hệ trẻ hiểu được hơn về những giá trị lịch sử, những gì ông cha ta đã làm, từ đó các em sẽ phải cố gắng nỗ lực học tập và cống hiến sức lực làm cho đất nước ngày càng phát triển và vững mạnh hơn…”

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ khép lại, Côn Đảo giờ đã thanh bình . "Chốn địa ngục trần gian" năm xưa nay đã và đang có bước phát triển và thay đổi từng ngày./.

Xuân Huy


Lượt xem: 179

Trả lời