Chuyện làm giàu của nông dân vùng đất “Hốc Pờ Tó”

Cập nhật 25/1/2017, 08:01:09

Ở Gia Lai, nhắc đến “Hốc Pờ Tó” ai cũng hiểu đó là một vùng đất khó, kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày xưa, vì“Hốc Pờ Tó” hôm nay đã có những nông dân dám nghĩ, dám làm và trở thành điển hình trong làm kinh tế mới… Với những nỗ lực vươn lên từ nghèo khó, người dân Pờ Tó đang từng ngày góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương với nhiều khởi sắc.

Không nhớ cụm từ “Hốc Pờ Tó” được hình thành từ khi nào, chỉ biết đó là một địa danh của huyện Ia Pa vốn là vùng đất hoang sơ, xa xôi cùng cực, vùng đất ấy được ví như cái “Hốc” giữa bốn bề rừng núi Tây Nguyên.

Vượt qua bao bộn bề khó khăn, Pờ Tó hôm nay đang đổi thay từng ngày nhờ bàn tay, khối óc của những con người quyết tâm bám trụ với mảnh đất khó. Từ sản xuất manh mún, lạc hậu, nay người nông dân ở đây đã mạnh dạn thay đổi bằng phương thức sản xuất tổ hợp trong mối liên hệ anh em dòng tộc, thôn, làng, mối liên kết đã tạo ra những cánh đồng sản xuất lớn – Ông Rô Khen, thôn Ksong là người thành công từ mô hình này. Với thu nhập trung bình một năm đạt từ 400-500 triệu đồng từ sản xuất, thâm canh cây mía, cây mỳ, giờ đây ông đã làm được ngôi nhà trị giá hơn 1tỷ đồng…

Ông Rô Khen, thôn Ksong, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa nói: “ Hồi xưa giống như ở rừng vậy không bao giờ được ra phố. Giờ thì dân Pờ Tó mình đây thì đồng bào và anh em người Kinh bùng lên rất mạnh. Kinh tế phát triển hơn, hàng hóa thông thương dễ hơn nhờ giao thông thuận lợi”.

Không canh tác các loại cây truyền thống như mía, mỳ, riêng với 3 héc ta diện tích đất rẫy, anh Trần Trọng Tú ở thôn Chư Gu, xã Pờ Tó đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Anh Tú dành 2 sào để đào ao nuôi cá; 1,5 ha trồng 300 cây dừa xiêm, dừa dứa; 700 cây trôm (loại cây lấy mủ làm nguyên liệu cho việc sản xuất nước yến, làm vỏ thuốc tây và mỹ phẩm); cũng trên diện tích này anh trồng 100 cây mít thái.

         Anh Tú  cho biết: “Thông qua sách báo, xem tin vi và nghiên cứu tra khảo trên các phương tiện thông tin để lựa chọn hướng đi cho riêng mình. Sau nhiều lần đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế ở Miền Tây rồi ở các vùng khác thì đã lựa chọn phát triển các loại cây trồng này”.

Nhìn những hình ảnh này, có ai nghĩ rằng, đó là “Hốc Pờ Tó” ngày nào. Những ngôi nhà mới 2 tầng, rồi 3 tầng của người dân đi xây dựng kinh tế mới và những ngôi nhà sàn cách tân của đồng bào Jrai, Bơhnar bản địa đua nhau mọc lên. Vượt qua bao khó khăn, Pờ Tó hôm nay đã không còn như người ta nghĩ, mà đang trên đà phát triển xứng đáng trở thành vùng kinh tế tiềm năng và là trung tâm giao thương quan trọng nối giữa các huyện Ia Pa, Kông Chro và thị xã Ayun Pa, An Khê của tỉnh Gia Lai./.

Hữu Lanh – Song Nguyễn-Minh Trí – Ksor Tuối

 

 

Nhìn những hình ảnh này, có ai nghĩ rằng, đó là “Hốc Pờ Tó” ngày nào. Những ngôi nhà mới 2 tầng, rồi 3 tầng của người dân đi xây dựng kinh tế mới và những ngôi nhà sàn cách tân của đồng bào Jrai, Bơhnar bản địa đua nhau mọc lên. Vượt qua bao khó khăn, Pờ Tó hôm nay đã không còn như người ta nghĩ, mà đang trên đà phát triển xứng đáng trở thành vùng kinh tế tiềm năng và là trung tâm giao thương quan trọng nối giữa các huyện Ia Pa, Kông Chro và thị xã Ayun Pa, An Khê của tỉnh Gia Lai./.


Lượt xem: 641

Trả lời