Châu Âu và NATO tạm yên lòng với định hướng chính sách của Mỹ

Cập nhật 20/2/2017, 08:02:10

Dù khẳng định mối quan hệ với châu Âu là bất biến nhưng Mỹ vẫn yêu cầu phải có sự chia sẻ công bằng hơn trong NATO.

Hội nghị an ninh Munich tiếp tục ngày họp thứ 2 với sự chú ý tập trung vào bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, thể hiện lập trường của chính quyền mới về một loạt các vấn đề, đặc biệt là mối quan hệ Nga, NATO, EU. Tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với NATO và châu Âu của ông Mike Pence phần nào làm lãnh đạo các nước châu Âu hài lòng.

chau au va nato tam yen long voi dinh huong chinh sach cua my hinh 1
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề Hội nghị an ninh Munich. (Ảnh: AP)

Trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao lớn đầu tiên của chính quyền mới dưới thời ông Trump, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cố gắng trấn an các đồng minh châu Âu rằng, Mỹ sẽ ủng hộ NATO, thậm chí ngay cả khi nước này đang tìm các biện pháp mới để hợp tác với Nga.

“Tổng thống Mỹ đã đề nghị tôi tham dự Hội nghị lần này mang theo những lời chúc mừng và thông điệp. Thay mặt Tổng thống Trump, tôi xin đảm bảo rằng, Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ cho NATO và luôn kiên định với cam kết của Mỹ đối với liên minh quân sự này”, ông Pence nói.

Hội nghị An ninh Munich 3 ngày diễn trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và NATO đang trở nên bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố NATO đã trở nên lỗi thời và chỉ trích các chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chính vì vậy, các quan chức châu Âu đã rất mong đợi bài phát biểu mang tính định hướng chính sách của Phó Tổng thống Mỹ.

Với khẳng định “số phận của Mỹ và châu Âu luôn song hành cùng nhau, khó khăn của châu Âu cũng là khó khăn của Mỹ”, Washington đã giúp các nước châu Âu tham gia hội nghị Munich bớt lo ngại hơn. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định, các đồng minh cần có sự chia sẻ công bằng trong việc gánh vác trách nhiệm chung của NATO.

Đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ, tại Hội nghị an ninh Munich cũng chứng kiến một loạt cam kết của các nước NATO khẳng định tăng chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Đức Angela Merkel – quốc gia đang phải đối mặt với sức ép từ phía Mỹ về việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng khẳng định, chính phủ nước này sẽ làm mọi điều có thể để đáp ứng mục tiêu chi tiêu 2% tổng sản lượng kinh tế cho quốc phòng đến năm 2024.

Thủ tướng Merkel cho biết: “Đức là một quốc gia có trách nhiệm, giống như các nước khác đã đưa ra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng tại hội nghị NATO năm 2014. Chính phủ Đức sẽ làm mọi điều có thể để thực hiện được mục tiêu này”.

Không chỉ là những cam kết ủng hộ NATO, Phó Tổng thống Mỹ Pence cũng mang theo những thông điệp cứng rắn nhằm vào Nga, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu lo ngại Mỹ có thể nới lỏng lập trường với Nga.

Ông Merkel tuyên bố, Mỹ sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vấn đề Ukraine, yêu cầu Nga phải tôn trọng Thỏa thuận hòa bình Minsk ký từ năm 2015 và chấm dứt tình trạng bạo lực ở miền Đông Ukraine.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh cũng như vai trò ngày càng tăng của Nga trong các vấn đề quốc tế, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ cũng không thể phủ nhận sự cần thiết trong mối quan hệ hợp tác với Nga. Phó Tổng thống Pence khẳng định, chính quyền mới tại Mỹ vẫn đang tìm kiếm các biện pháp mới để thống nhất lập trường chung với Nga.

Thủ tướng Đức Merkel cũng cho rằng, mối quan hệ giữa Nga và châu Âu luôn đối mặt với nhiều sóng gió trong 25 năm qua. Tuy nhiên, Nga vẫn là một nước láng giềng của Liên minh châu Âu và có mối quan hệ chặt chẽ với khối. Mặc dù còn nhiều bất đồng, nhưng Liên minh châu Âu cần  tiếp tục theo đuổi đối thoại với Nga, tìm kiếm sự thống nhất chung, đặc biệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố./.

VOV.


Lượt xem: 40

Trả lời