Các địa phương phía Đông Nam tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ

Cập nhật 30/11/2021, 18:11:02

Trong những ngày qua và nhất là từ chiều tối 29/11 đến sáng nay (30/11) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có mưa trên diện rộng. Đặc biệt, ở khu vực phía Đông Nam tỉnh có mưa to đến rất to gây ngập lụt cục bộ ở nhiều địa phương. Trước tình hình đó, các địa phương phía Đông Nam tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Theo báo cáo của huyện Krông Pa, đến sáng nay (30/11) mực nước ở sông Ba đạt đỉnh cao nhất từ đầu năm 2021 đã gây ngập lụt và chia cắt tạm thời nhiều khu vực trên địa bàn huyện; nhất là ở các địa phương nằm dọc sông Ba chảy qua. Nhiều diện tích hoa màu của người dân dọc sông Ba đã ngập sâu trong nước. Trong sáng nay, địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ di dời người, tài sản của người dân đến nơi an toàn; trong đó, đã kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn 15 người dân bị mắc kẹt tại các khu vực sản xuất ven sông Ba ở xã Chư Gu và Chư Răng.

Ông Huỳnh Văn Lực – Tỉnh Bình Định, Tạm trú xã Chư Gu, huyện Krông Pa cho biết: “Trời mưa nước dâng lên thì chúng tôi chuyển đồ lên cao nhưng đến 2h sáng là nước tràn hết vô trong rẫy thì lại chuyển lên cao nữa. Rồi thấy nước lên cao quá nên điện Công an xã nhờ cứu hộ”.

Ông Ksor Nhối, Chủ tịch UBND xã Chư Gu, huyện Krông Pa thông tin: “Qua kiểm tra thì có 8 người cùng đồ dạc bị cô lập, không di chuyển được nên ngay trong sáng nay chúng tôi đã huy động 2 xuồng máy để lên hỗ trợ di dời người dân bị cô lập”.

Đến chiều nay, dù lượng mưa đã giảm song mực nước ở các sông, suối trên địa bàn huyện Krông Pa vẫn đang ở mức cao. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đang tiếp tục triển khai các biện pháp để ứng phó với tình hình mưa lũ.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa nói: “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cho các thành viên tiếp tục theo dõi các khu vực bị ngập lụt, nhất là khu vực Nam sông Ba và khu vực người dân đang sản xuất để yêu cầu người dân vào trong bờ để đảm bảo tính mạng cho người dân”.

Còn tại huyện Ia Pa, mưa lớn cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng, nhất là ở khu vực xã Ia Broái, Kim Tân, Chư Răng. Bước đầu đã ghi nhận những thiệt hại về hoa màu, tài sản do mưa lũ gây ra.

Ông Lê Hữu Hưng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân, huyện Ia Pa thông tin: “Qua thống kê ban đầu thì hiện nay xã có khoảng 25 ha lúa bà con mới gieo sạ được 5 ngày thì bị ngập sâu trong nước nhiều ngày và có khả năng bị thiệt hại hoàn toàn. Ngoài ra, thì 2 trạm bơm điện cung cấp nước tưới cho các cánh đồng trên địa bàn cũng bị ngập sâu trong nước. Vì nước lũ lên quá nhanh nên chúng tôi cũng không kịp di dời máy móc lên cao”.

Cùng với việc bố trí lực lượng chốt chặn tại các khu vực dân cư bị cô lập, huyện Ia Pa đã tập trung ưu tiên trong việc di dời tài sản và đưa người dân ở các khu vực xung yếu đến nơi an toàn.

Ông Huỳnh Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cũng cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và các xã triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ. Thứ nhất là nhanh chóng đưa và di dời người, tài sản, gia súc, gia cầm của người dân khu vực vùng thấp ở buôn Jứ, xã Ia Broái đến nơi an toàn. Và hiện nay trên địa bàn huyện có người dân ở các tỉnh như là Bình Định, Phú Yên lên thuê đất làm dưa và có một số vùng bị ngập thì UBND huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện dùng các xuồng máy đưa người dân ở các khu vực chia cắt đến nơi an toàn nhằm giảm thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân”.

Trong chiều nay, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các địa phương khu vực phía Đông Nam tỉnh./.

Nhóm PV, CTV


Lượt xem: 14

Trả lời