Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý, trong sức chịu đựng của ngân sách

Cập nhật 21/10/2022, 10:10:20

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc điều chỉnh mức lương cơ sở góp phần chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Cụ thể:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công có ý nghĩa hết sức to lớn trong bối cảnh hiện nay, “góp phần chia sẻ với những khó khăn trong cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ”.

Sau Nghị quyết số 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp), đối với khu vực công (đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước) mới được điều chỉnh mức lương cơ sở 1 lần từ ngày 1/7/2019 tăng khoảng 7,19%.

Đối với khu vực doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 3 lần (lần 1 từ ngày 1/1/2019 tăng khoảng 5,23%, lần 2 từ ngày 1/1/2020 tăng khoảng 5,5% và lần 3 từ ngày 1/7/2022 tăng khoảng 6%). Tổng 3 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp tăng khoảng 17,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 7/2019 (sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng) ước tính đến hết năm 2022 (tính theo số liệu của Tổng cục Thống kê) đã tăng khoảng 10% và do 3 năm (2020, 2021 và 2022) không điều chỉnh tăng mức lương cơ sở làm cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng nhiều, do đó, cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.

“Đã 3 năm qua, chúng ta chưa tăng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện tại vẫn giữ mức 1,49 triệu đồng của năm 2019. Đời sống của không ít cán bộ, công chức, viên chức hiện nay cũng vô cùng khó khăn. Vấn đề tiền lương cũng là một trong những lý do khiến cán bộ, công chức, viên chức thôi việc thời gian qua”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Theo bà, việc tăng lương cơ sở thời điểm này là “thấu tình, đạt lý và nằm trong sức chịu đựng của ngân sách nhà nước. Khi phương án này được đưa ra, hầu hết các thành viên Chính phủ đều ủng hộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng bày tỏ phấn khởi. Trước mắt, việc tăng lương cơ sở phần nào động viên anh em trong thực thi công vụ được tốt hơn, giúp họ an tâm với công việc của mình.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng, tăng 20,8%, là mức tiệm cận với cải cách tiền lương. Như vậy, nguồn kinh phí ngân sách tăng thêm trong năm 2023 khoảng 44 nghìn tỷ đồng.

Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cơ sở từ ngày 01/7/2023 sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2023 khoảng 0,54%. Trước đó, Tổng cục này đã dự báo CPI năm 2023 (khi chưa có phương án điều chỉnh tiền lương) tăng từ 4-4,5% so với năm 2022. Khi điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện từ ngày 1/7/2023 thì chỉ số CPI năm 2023 sẽ tăng từ 4,5-5,0%.

Theo phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mức điều chỉnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/01/2022 là 12,5%; người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 01/7/2023 là 20,8%.

Sau khi điều chỉnh theo quy định chung này, người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/1995 mà có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì tiếp tục được điều chỉnh thêm. Cụ thể, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với người có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng; tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với người có mức hưởng từ 2,7 triệu đến dưới 3 triệu đồng/tháng. Ước tính nguồn kinh phí ngân sách tăng thêm cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trong năm 2023 là 3,55 nghìn tỷ đồng.

Phân tích của Chính phủ cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đều được Chính phủ thực hiện hằng năm, tương ứng với thời điểm và mức điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Riêng đối với nhóm người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng trước năm 1995 có mức lương hưu thấp thì trong giai đoạn 2016 – 2021 cùng với việc điều chỉnh theo tỷ lệ % chung đã thực hiện điều chỉnh tăng thêm một số tiền tuyệt đối.

Theo đó, việc tiếp tục điều chỉnh tăng thêm đối với nhóm người có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng (tương ứng với 2 lần mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn và khoảng 60% so với mức lương hưu bình quân năm 2022) từ ngày 1/7/2023 là phù hợp, bảo đảm được tương quan giữa các nhóm đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Với việc điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công từ ngày 1/7/2023, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước trong năm 2023 tăng thêm so với năm 2022 khoảng 54,06 nghìn tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công là 50,56 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh các chính sách an sinh xã hội là 3,50 nghìn tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi đối với viên chức y tế dự phòng và y tế cơ sở từ ngày 1/1/2023, dự kiến kinh phí năm 2023 chi tăng thêm khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng/năm. Khi Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung này sẽ triển khai thực hiện theo quy định.

Theo VTV


Lượt xem:

Trả lời