6 việc làm cần thay đổi để sống chung với tăng huyết áp

Cập nhật 16/8/2019, 06:08:46

Tăng huyết áp gây biến cố tim mạch, các biến cố cấp tính như nhồi máu cơ tim, lóc tách động mạch chủ, biến cố mãn tính như suy tim, suy thận. Tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng mà chỉ phát hiện qua đo huyết áp thường xuyên.

6 việc làm cần thay đổi để sống chung với tăng huyết áp - 1

Ảnh minh họa.

Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Hiện nay, tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa và ngày càng gia tăng, theo thống kê, tại nhiều địa phương tỷ lệ mắc trong nhóm đối tượng trên 40 tuổi chiếm 40%. Trong 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Mặc dù vậy, tỷ lệ được quản lý, theo dõi và điều trị còn rất thấp chỉ chiếm 30% số người bị tăng huyết áp.

Có đến 90 – 95% tăng huyết áp vô căn gọi là tăng huyết áp nguyên phát và được định nghĩa là mức tăng huyết áp cao mà các nguyên nhân thứ phát rõ ràng không được xác định. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng (tim, thận…).

Bệnh tăng huyết áp nghèo nàn về triệu chứng nhưng lại có rất nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân và để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Bệnh có rất nhiều biến chứng như: cơn đau thắt ngực, nhũn não, xuất huyết não, suy thận, tăng áp động mạch võng mạc, rối loạn tiền đình, mù lòa…

Theo PGS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng viện Tim mạch Việt Nam  thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình ngăn ngừa lẫn điều trị tăng huyết áp.

Những thay đổi này đôi lúc tương đương với một thuốc điều trị huyết áp. Với những bệnh nhân tiền tăng huyết áp (nằm giữa 120/80 và 140/90 mmHg) việc thay đổi lối sống đã được khuyến cáo để ngăn ngừa sự tiến triển thành tăng huyết áp thực sự.

Một lối sống lành mạnh sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích:

Thứ nhất: Giữ cân nặng hợp lý

Thừa cân, béo phì là một trong những nhân tố hàng đầu dẫn đến bệnh tăng huyết áp. Vì vậy bác sĩ luôn khuyên bạn nên giảm cân và giữ mức thể trọng phù hợp.

Thứ hai: Ăn uống lành mạnh

Đơn giản mà nói, bạn vẫn có thể ăn gần như tất cả mọi món, quan trọng ở đây là sự điều độ. Các chuyên gia khuyên rằng một chế độ dinh dưỡng tốt thì nên hạn chế chất béo và muối, đồng thời gia tăng lượng chất xơ. Rau củ và trái cây chứa rất nhiều vitamin và chất chống ôxy hóa, không chỉ giúp bạn kiểm soát huyết áp mà còn ngăn ngừa nhiều căn bệnh chết người khác.

Thứ ba: Tăng cường vận động thể dục

Ít vận động thể lực có thể khiến một người dễ bị tăng huyết áp. Các chuyên gia khuyên rằng mỗi tuần bạn nên dành ra 3- 4 ngày, 50-60 phút/ngày để rèn luyện thân thể. Tuy nhiên người bệnh tăng huyết áp nên tránh tham gia các môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh như bóng đá hay bóng chày vì có thể làm tổn thương động mạch.

Thứ tư: Hạn chế sử dụng chất kích thích

Việc lạm dụng rượu bia hay cà phê đều khiến bạn bị tăng huyết áp. Để giữ huyết áp trong giới hạn cho phép, bạn chỉ nên tiêu thụ 200 mg cà phê và 20-30g chất cồn mỗi ngày.

Ngoài ra người bệnh tăng huyết áp cần phải bỏ hút thuốc hoàn toàn. Thuốc lá làm gia tăng các biến chứng từ tăng huyết áp như đột quỵ và đau tim.

Thứ năm: Nghỉ ngơi, thư giãn

Cũng như nhiều căn bệnh khác, tăng huyết áp sẽ diễn biến xấu hơn nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng tinh thần. Để kiểm soát huyết áp, bạn cần phải nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ. Nếu gặp căng thẳng về tinh thần hay phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực, bạn nên đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn.

Thứ sáu: Dùng thuốc đúng

Việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu không sử dụng thuốc huyết áp thì có thể gây ra các triệu chứng tăng huyết áp đột ngột có thể khiến cơn tăng huyết áp trở nên nguy hiểm. Với bệnh nhân tăng huyết áp phải thường xuyên tìm tư vấn của bác sĩ để xem thuốc có hợp không chứ không nên chờ cơn tăng huyết áp mới uống thuốc mà cần điều trị đúng, đủ, đều đặn để tránh các cơn tăng huyết áp kịch phát.

24h.


Lượt xem: 41

Trả lời