Về làng xem Cồng chiêng nhí

Cập nhật 09/8/2019, 15:08:41

Năm 2004, làng M’Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, vinh dự là địa phương của Gia Lai được UNESCO trực tiếp về lập hồ sơ, xét công nhận Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Về với buôn làng hôm nay, vẫn là hình ảnh quen thuộc của chiếc cồng, chiếc chiêng gắn với già làng, thanh niên, trai tráng. Tuy nhiên, hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn đội chiêng nhí với những thành viên chỉ 5-7 tuổi thôi nhưng mỗi khi biểu diễn các em luôn làm say đắm người xem…!

Những ngày không đến trường, không lên rẫy, thay vì rong chơi thì các em nhỏ làng M’Hra lại tập hợp đông đủ tại nhà rông truyền thống để cùng nhau luyện tập cồng chiêng, múa xoang dưới sự chỉ dẫn của già làng, nghệ nhân, người lớn tuổi…

Để đánh được cồng chiêng, bài học đầu tiên là phải biết tên từng chiếc chiêng, chiếc cồng và thứ tự đánh từng cái trong một bộ. Sau khi thuộc bài các em sẽ học cách nghe âm, cảm âm rồi đến cách chơi nhiều người cùng một lúc và phối hợp với điệu xoang tạo thành một bài diễn xướng độc đáo.

Em Đinh Văn Nhớ- Làng Mơ H’Ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Năm nay con học lớp 5, con đã tham gia vào đội chiêng nhí, nhiệm vụ của con là đánh trống. Học đánh cồng chiêng không khó và rất là vui, con đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi rồi”.

Vượt qua sự bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu nay các bạn nhỏ trong đội chiêng nhí làng M’Hra đã chơi cồng chiêng một cách nhuần nhuyễn và tự tin diễn xướng được nhiều bài chiêng truyền thống, độc đáo của buôn làng. Với 40 thành viên, có độ tuổi từ 5 -7 tuổi, đều là đồng bào dân tộc Bahnar, đâu luôn được biết đến là đội chiêng nhí đặc sắc của Gia Lai, các em đã từng đi biểu diễn ở nhiều nơi và đạt được nhiều giải thưởng cao, được đông đảo du khách gần xa yên mến.

Em Đinh Thị Xiết- Làng Mơ H’Ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai cũng cho biết: “Hiện nay con đã học được 3 bài múa xoang rồi. Bài Mừng Chiến thắng, mừng Nhà Rông mới, bài đâm trâu. Con đã được đi biểu diễn ở Gia Lai và con rất vui vì được mọi người khen chúng con múa đẹp”.

Già Làng Đinh Văn Mưng- Làng Mơ H’Ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Giữ bản sắc dân tộc mình tôi luôn luôn giảng dạy cho đội cồng chiêng, năm 2014 làng có 3 đội, 2 đội thiếu nhi, 1 đội thanh niên. Đội thanh niên này bắt vợ, bắt chồng rồi, tôi vẫn tiếp tục phát động năm 2019 đây thành lập 1 đội nhỏ nữa. Nhất là trong nghỉ hè phát động học sinh, không cho đi chơi lang thang. Phải ráng tập đội cồng chiêng từ lớp 1 đến lớp 2, lớp 3 để cho lũ trẻ không phải đi chơi xa. Ráng tập trong 2 tháng, đội cồng chiêng đây cũng đã ổn định rồi”.

Dù chưa thật điêu luyện như các bậc nghệ nhân hay anh chị lớn tuổi nhưng tình yêu với văn hóa cồng chiêng thì có thể dễ dàng cảm nhận trong ánh mắt của các bạn nhỏ Bahnar nơi đây, trong cách mà các em cháy hết với văn hóa truyền thống. Trong các dịp lễ hội những nghệ sĩ nhí của buôn làng lại say sưa biểu diễn cồng chiêng một cách hồn nhiên, đầy quyến rũ. Và không ai khác, chính các em sẽ là chủ nhân tương lai của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; sẽ là những người đưa tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào Tây Nguyên ngân vang, bay xa và còn mãi với thời gian…/.

Kim Ngân-Hòa Giang- Phan Nguyên-Minh Vũ


Lượt xem: 171

Trả lời