Tây Sơn Thượng đạo – Dấu nối quá khứ và hiện tại (Tiếp theo)

Cập nhật 01/2/2018, 10:02:42

Tây Sơn Thượng đạo là căn cứ địa trong buổi đầu tập hợp lực lượng khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn. Đây vừa là hệ thống phòng thủ vững chắc, vừa là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm và lực lượng cho cuộc khởi nghĩa, từ đó làm nên thắng lợi của phong trào Tây Sơn vào năm 1789. Đến nay, trải qua hơn hai thế kỷ, mặc cho sự tàn phá của chiến tranh nhưng nhiều di tích, di vật vẫn được nhân dân trân trọng gìn giữ không những trên các trang sử, văn học thành văn mà còn cả trong nhiều truyền thuyết, thơ ca dân gian, ca ngợi tài năng, trí dũng, khả năng quy tụ con người và lòng kính trọng mến mộ của đồng bào các dân tộc đối với các thủ lĩnh Tây Sơn.

Tây Sơn Thượng đạo là vùng đất thuận lợi được coi như một an toàn khu” trong buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Hơn ai hết, anh em Tây Sơn mà trước hết là Nguyễn Nhạc đã sớm nhận ra vị trí đặc biệt của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo và kiên trì chuẩn bị lực lượng lâu dài ở đây. Trong nhiều năm liền, Tây Sơn Thượng đạo đã trở thành cơ sở vững chắc, đưa phong trào nông dân Tây Sơn phát triển rộng khắp và dành được nhiều thắng lợi to lớn.

GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Ở thế kỷ 18, lúc bấy giờ người Kinh lên đây khai phá rất ít, nhưng người Banah, Jrai, Êđê, người Chăm rất nhiều. Tập hợp các dân tộc đó để xây dựng lên đội binh đầu tiên, đây cũng là cơ sở xây dựng lực lượng hậu cần, vừa là nhân dân đóng góp, vừa là khai phá cánh đồng Cô Hầu để tạo nên cơ sở hậu cần rất vững chắc, xây dựng thành căn cứ, trung tâm chỉ huy chính là vùng An Khê”.

Hơn hai thế kỷ đã trôi qua, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo vẫn còn đó song không được nguyên vẹn. Dù vậy, những di tích lịch sử thời Tây Sơn trên địa bàn tỉnh Gia Lai mãi là minh chứng sống cho giai đoạn đầu xây dựng cơ nghiệp của 3 anh hùng áo vải Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Chính vì vậy, vào năm 1991, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Miếu Xà là một trong những địa điểm thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn. Đây là nơi Nguyễn Nhạc đã chém rắn lấy máu tế cờ trước khi xuất quân xuống đồng bằng.

Thời gian qua, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm đầu tư, tôn tạo một số hạng mục công trình nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của quần thể như: An Khê đình, An Khê trường, Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo… Hằng năm, địa phương cũng đã tổ chức những hoạt động truyền thống gắn liền với phong trào Tây Sơn như: Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Lễ tế ngày giỗ Tây Sơn tam kiệt. Chính điều này đã giúp Tây Sơn Thượng đạo trở thành dấu nối giữa quá khứ với hiện tại, lưu giữ và nhắc nhở các thế hệ mai sau về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ông Nguyễn Quốc Thành – Người dân thị xã An Khê nói: “Ước sao những di tích lịch sử của Tây Sơn Thượng đạo ở miền Tây Sơn Thượng đạo này được củng cố, xây dựng khang trang tương đương với quê của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Đó không chỉ là mong ước chẳng những của tôi mà đồng bào của Tây Sơn Thượng đạo này rất mong muốn”

 Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo không chỉ là chứng tích lịch sử gắn liền với phong trào Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vì vậy, chính quyền các cấp cần có những chính sách phù hợp để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào về quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay.

Có thể nói, di tích Tây Sơn Thượng đạo là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc. Di tích lịch sử văn hóa này là nguồn sử liệu trực tiếp, cho ta những thông tin quan trọng để khôi phục các trang sử hùng tráng của dân tộc thời Tây Sơn. Để đưa khu di tích này trở thành một địa chỉ du lịch cấp quốc gia, rất cần được sự quan tâm đầu tư, tôn tạo, đồng thời có những chính sách thu hút du lịch, quảng bá, nâng cao giá trị, ý nghĩa thực sự của nó. Nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục chuyển đến quý vị và các bạn  qua phóng sự “Di tích Tây Sơn Thượng đạo và  giải pháp phát triển du lịch” .

Nhóm PVTS

 


Lượt xem: 40

Trả lời