Kỹ nghệ Đá cũ An Khê – Di sản đặc biệt của nhân loại

Cập nhật 02/5/2019, 11:05:11

Với trên 20 địa điểm sơ kỳ Đá cũ phát hiện trong vùng đồi, gò thung lũng ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai là bằng chứng về sự hiện diện của cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam. Với những bằng chứng thuyết phục, những dấu tích xếp thành tầng lớp phân bố dày đặc có niên đại 800.000 năm, An Khê chính là một trong những cái nôi của loài người. Phóng sự sau đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể về quá trình phát hiện, khai quật, nghiên cứu cũng như đề cập giá trị, tiềm năng di sản văn hóa to lớn về kỹ nghệ đá cũ mà tổ tiên đã gửi lại cho thế hệ người An Khê hôm nay và mai sau

2014 là năm di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ đầu tiên, mang tên kỹ nghệ An Khê được phát hiện. Trong các năm 2015 đến 2019, triển khai chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt – Nga, cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Gia Lai và Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã phát hiện mới 19 địa điểm, nâng tổng số di tích lên 23 địa điểm, trong đó 4 địa điểm đã được khai quật là: Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7.
Qua khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học xác nhận: Ở thung lũng An Khê tồn tại các loại hình gia công, chế tác công cụ từ khá sớm. Về kỹ nghệ: Người cổ An Khê chế tác, sử dụng những công cụ cuội đá quartz và quartzite rất cứng, có kích thước lớn; kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, có thể ghè trên tay hoặc trên đe. Họ đã tạo ra tổ hợp công cụ tiêu biểu gồm những mũi nhọn hình khối tam diện, công cụ ghè một mặt (uniface), ghè hai mặt (biface), công cụ chặt thô dạng chopper, chopping; những công cụ nạo, cắt làm từ mảnh tước, cuội bổ và công cụ dạng hạch cuội bất định hình… Những phát hiện về kỹ nghệ Đá cũ An Khê thực sự đã gây chấn động trong giới khảo cổ học trong nước và quốc tế…
PGS Rasmi Shoocong Dej, Chuyên gia khảo cổ học Thái Lan trao đổi : “Điểm khác biệt của di chỉ khảo cổ học ở An Khê là các vật dụng được phát hiện rất rõ ràng, cho chúng ta cái nhìn chính xác về nguồn gốc lịch sử, thời gian, niên đại tồn tại của Người vượn đứng thẳng, điều này rất có ý nghĩa. Tôi nghĩ, nếu tiếp tục nghiên cứu tiếp ở những tầng địa chất sâu hơn thì còn có thêm những điều bí ẩn”…
Tiến sỹ Masojé Miroslaw, Viện Khảo cổ học, Đại học Wrocclaw, Ba Lan  nêu: ” Những gò đá cũ ở An Khê rất là quan trọng và nó là điểm mới và có thể đại diện cho 1 vùng đất rất lớn và có thể so sánh với các nơi và đây là điểm, vị trí quan trọng hàng đầu ở Châu Á trong quá trình phát triển và tiến hóa của loài người. Về kỹ nghệ làm đá thì Đá cũ ở an Khê cũng không khác gì so với ở khu vực Châu Phi”.
Nhằm làm rõ về quá trình tiến hóa của người hiện đại trên các châu lục, cũng như diễn trình, các giai đoạn sơ kỳ Đá cũ được khai phá ở An Khê, tháng 10/2016 và tháng 3/2019, tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về sơ kỳ đá cũ An Khê, với sự tham gia của nhiều học giả trong và ngoài nước. Tại các kỳ hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều luận cứ xác minh về niên đại, giá trị, vai trò, cũng như những đóng góp của sơ kỳ Đá cũ An Khê trong sự tiến hóa của loài người và đã đi đến thống nhất: Tổ hợp di vật đá cũ được khai phá An Khê mang đặc trưng của một kỹ nghệ sơ kỳ thời đại Đá cũ, tương đương với giai đoạn tồn tại của Người đứng thẳng (Homo erectus) trên thế giới, có niên đại địa chất trung kỳ Cánh tân (Pleistocene) và niên đại đồng vị phóng xạ bằng phương pháp Kalium Argon là 806.000±22.000 năm và 782.000±20.000 năm cách ngày nay. Trong số các hiện vật đá và mảnh tectit trong địa tầng được tìm thấy ở An Khê, tiêu biểu là công cụ ghè 2 mặt, rìu tay, công cụ ghè một mặt, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện…
PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam phát biểu: ” Như chúng ta đã biết, con người xuất hiện lúc nào, thì lịch sử vùng đất đó được tính từ đó. Trước đây, chúng ta chỉ biết được lịch sử Việt Nam với phát hiện ở Thẩm Hai, Thẩm Khuyên hoặc Núi Đọ, với niên đại nửa triệu năm cách ngày nay, thì nay chúng ta đã đẩy được tuổi của con người xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn, lên đến 800.000 năm cách ngày nay. Chúng tôi tin rằng, từ kết quả nghiên cứu và qua hội thảo này, chúng ta sẽ có thêm nhiều cái nhìn và được thế giới công nhận”.
Việc tổ chức thành công các kỳ Hội thảo tiếp tục mở ra những nhận thức mới về khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ, về văn hóa – lịch sử của địa phương cũng như toàn khu vực, mang lại cho Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung một dáng dấp, vị thế mới về lịch sử, văn hóa. Những giá trị này sẽ là cơ sở vững chắc cho việc hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, mang lại nhiều tiềm năng về phát triển du lịch văn hóa và nghiên cứu lịch sử…
Viện sỹ, GS.TS Anatoly Panteleevich Derevianko, Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk cho biết: ” Tôi thấy, chúng ta đã làm như thế này là rất tuyệt vời rồi, song để phát huy những di tích khảo cổ này thì cần phải dựa vào dân, vì chính người dân là người trực tiếp hưởng lợi từ những nghiên cứu của các nhà khoa học, vấn đề quan trọng là chúng ta giáo dục cho thế hệ trẻ trong các trường học và cho các cháu đến đây và chúng ta nên làm phong phú hơn các minh họa về giai đoạn lịch sử xa xưa để các cháu biết được, hiểu được và tự hào về mảnh đất của quê hương mình. Và cũng từ các cháu sau này lớn lên có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của những di tích này”.
PGS.TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam  nêu: “Viện Khảo cổ học sẽ tranh thủ ý kiến phản biện của các chuyên gia trong và ngoài nước, các học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới, tiến tới xác định giá trị thực sự của An Khê, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia cho di tích này. Đồng thời mở ra những nghiên cứu mới, những nghiên cứu chuyên sâu về An Khê”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, Gia Lai  cho biết: “‘Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh trong việc lập quy hoạch và có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ khu di tích này; song song với đó thì chúng tôi mong muốn rằng từng bước thiết lập cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng bảo tàng ngoài trời để bảo vệ những hố khai quật và dần hình thành khu nghiên cứu, nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại vùng này để người dân có lợi ích kinh tế đi cùng và chính người dân, cộng đồng sẽ làm tốt việc bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa, lịch sử”.
Hiện nay, việc khai quật và nghiên cứu vẫn đang được các nhà khảo cổ học Việt – Nga triển khai, những tư liệu thu được sẽ tiếp tục bổ sung thêm nguồn tư liệu cho việc biên soạn lịch sử quốc gia, làm cơ sở cho việc trưng bày tại các bảo tàng, hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế…/.

Song Nguyễn – Đức Hải- Thanh Sáng – Minh Trí


Lượt xem: 71

Trả lời