Thiên thạch 4,6 tỷ năm được tìm thấy trong “dấu chân ngựa”

Cập nhật 24/7/2021, 07:07:40

Một loại thiên thạch chứa chondrite cacbon hiếm với niên đại khoảng 4,6 tỷ năm đã được phát hiện trên một cánh đồng ở Anh.

Vào tháng 3 vừa qua, một mảnh thiên thạch xếp vào hàng quý hiếm, xuất hiện từ những ngày đầu hệ mặt trời khai sinh đã được phát hiện bởi Derek Robson – giám đốc khoa thiên văn của tổ chức Nghiên cứu Vật lý Thiên văn học phía Đông Anglian (EAARO). Theo trường đại học Loughborough – đơn vị tiếp nhận nghiên cứu chính, thiên thạch đã được tìm thấy trong dấu ấn của một chiếc móng ngựa để lại trên cánh đồng tại Gloucestershire, Anh.

Thiên thạch 4,6 tỷ năm được tìm thấy trong “dấu chân ngựa” - Ảnh 1.

Mảnh thiên thạch khi được nhìn bằng mắt thường, kính hiển vi quang học và kính hiển vi điện tử (theo thứ tự từ trái sang phải)

Loại thiên thạch đặc biệt này có chứa chất chondrite cacbon quý hiếm, chỉ chiếm 4% đến 5% các mảnh thiên thạch được tìm thấy trên toàn cầu. Theo các nhà khoa học, mảnh thiên thạch đã được mang tới Trái Đất trong một trận mưa thiên thạch xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Với niên đại lên tới 4,6 tỷ năm và thành phần bao gồm toàn những chất cơ bản, thiết yếu đã khai sinh ra sự sống, thiên thạch được tin rằng sẽ hé lộ cho loài người một vài manh mối về cách các sinh vật đầu tiên xuất hiện trong hệ mặt trời.

Thiên thạch 4,6 tỷ năm được tìm thấy trong “dấu chân ngựa” - Ảnh 2.

Thiên thạch khi được nhìn qua kính hiển vi

Tạo vật đặc biệt từ vũ trụ này có hình dạng của một tảng đá nhỏ, màu như than và vô cùng mỏng manh, thoạt nhìn có vẻ ngoài như một mảng bê tông bị vỡ vụn. Shaun Fowler – một nhà khoa học tại đại học Loughborough- cho biết những chất tạo thành thiên thạch này là những chất đầu tiên xuất hiện để hình thành nên một tiểu hành tinh mới.

“Có nhiều thành phần trong mảnh thiên thạch không hề tồn tại trên Trái Đất, thậm chí chúng còn khác hoàn toàn so với các viên thiên thạch chúng tôi đã tìm thấy trước đây” – Fowler cho hay.

Hiện tại, các nhà khoa học tại đại học Loughborough đã dùng nhiều kỹ thuật hiện đại để khám phá từng nanomet sâu trong thiên thạch với mong muốn tìm ra nhiều thông tin mới về cách hệ mặt trời và sự sống được hình thành. Nghiên cứu hiện vẫn trong giai đoạn đầu và không trầy xước bề mặt tự nhiên của mảnh thiên thạch.

Theo VTV


Lượt xem: 12

Trả lời