Cận cảnh, thiên thạch phát nổ sáng rực bầu trời ở Na Uy

Cập nhật 02/8/2021, 07:08:39

Sao băng lớn bất ngờ xuất hiện ở Na Uy vào cuối tuần qua, tạo nên một “vụ nổ ánh sáng” kèm âm thanh lớn diễn ra chỉ trong vòng vài giây ngắn ngủi.

Vào ngày 25/7 vừa qua, một thiên thạch lớn bất thường đã xuất hiện ở miền nam khu vực Bắc Âu, tạo nên một “vụ nổ ánh sáng” kéo dài vài giây. Các chuyên gia cho biết rằng sao băng này đã chiếu sáng bầu trời Na Uy, trong khi một số nhân chứng khác cho biết họ nghe thấy một âm thanh lớn đi kèm ngay sau khi chứng kiến luồng sáng chói lòa.

Cận cảnh, thiên thạch phát nổ sáng rực bầu trời ở Na Uy - Ảnh 1.

(Ảnh: Norwegian Meteor Network)

Mạng lưới sao băng Na Uy (Norwegian Meteor Network/ NMN) cho biết, họ đã phân tích và xem xét một số video về sự kiện này, kết luận rằng thiên thạch được ghi nhận lần đầu tiên ở vị trí cách thủ đô Oslo khoảng 90km về phía bắc. Vật thể này tiếp tục di chuyển theo hướng tây nam trước khi phân mảnh thành nhiều tia sáng rực trên bầu trời.

Norwegian Meteor Network chia sẻ: “Sao băng xuất hiện lúc 1:08 sáng vào đêm ngày 25/7, có thể quan sát được trong khoảng năm giây”. Trên mạng xã hội của NMN đã có bài đăng tải đi kèm video ghi lại khoảnh khắc xuất hiện ấn tượng của sao băng này.

Cận cảnh, thiên thạch phát nổ sáng rực bầu trời ở Na Uy - Ảnh 2.

(Ảnh: Norwegian Meteor Network)

Theo thông tin từ NMN, sao băng này được ước tính di chuyển với tốc độ vào khoảng 72000 km/h. Song song với ánh sáng bắt mắt, sóng áp suất của sao băng cũng đã gây ra gió giật mạnh xung quanh.

Thiên thạch “rực cháy”, lóe sáng bắt mắt này là một loại sao băng đặc biệt, được gọi tên là sao băng “quả cầu lửa”. Danh xưng này được dành cho những sao băng phát ra ánh sáng có cường độ bằng hoặc lớn hơn của sao Kim trên bầu trời đêm, theo Hiệp hội Sao băng Hoa Kỳ (AMS).

Cận cảnh, thiên thạch phát nổ sáng rực bầu trời ở Na Uy - Ảnh 3.

(Ảnh: NRK.no)

Việc bắt gặp thiên thạch và vật thể từ không gian chiếu sáng bầu trời đêm tại Na Uy không phải là điều quá hiếm gặp. Norwegian Meteor Network vốn đã bố trí nhiều camera liên tục theo dõi bầu trời. Dữ liệu sơ bộ cho thấy sao băng có thể đã “hạ cánh” xuống một khu vực rừng không quá xa thủ đô Oslo là Finnemarka.

Theo VTV


Lượt xem: 66

Trả lời