Những con số không thể làm ngơ

Cập nhật 22/9/2021, 13:09:16

Tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hậu quả đằng sau các vụ tai nạn giao thông để lại là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội. Nhiều giải pháp đã và đang được các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021: Gia Lai ghi nhận 111 vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, làm chết 93 người, bị thương 120 người. Trong đó, có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết 13 người.

22h ngày 14.2.2021 trên Quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn  xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh; một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 4 người: Rơ Mah Trưng, Siu Phú, Kpă Yang, Siu H’Yư; cả 4 nạn nhân đều còn rất trẻ, chỉ từ 15 đến 20 tuổi.

Tang thương ập tới với gia đình các nạn nhân và bà con làng Tao Kó, xã Ia Ròng và thôn Plei Dư, xã Ia H’rú quá bất ngờ, nhiều người không tin đây là sự thật.

Bà Siu H’Preo (mẹ nạn nhân Siu H’Yư) – Làng Tao Kó, xã Ia Ròng, Chư Pưh, Gia Lai nói: “Nó chết rồi. Nó là lao động chính trong nhà, giờ không biết phải làm sao. Thương nó lắm, chỉ biết khóc thôi”.

Tai nạn giao thông trong thanh thiếu niên dân tộc thiểu số xảy ra ở nhiều địa phương; đáng chú ý là các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa…. Theo thống kê, trong 111 vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dân tộc thiểu số gần đây, làm chết 93 người, bị thương 120 người; thì độ tuổi dưới 18 gây tai nạn là 38 vụ, từ 18 đến 30 tuổi là 73 vụ. Đáng chú ý, trong đó phần lớn đều chưa có giấy phép lái xe….. Thế nhưng, tại nhiều tuyến đường, những hình ảnh như thế này vẫn còn diễn ra khá phổ biến….

Già làng Ksor Hlưng – Làng Lũh Yố, xã Ia H’rú, Chư Pưh, Gia Lai nói: “Mấy đứa nhỏ lỳ lắm, nói không nghe. Cứ uống rượu bia rồi chạy xe, chở 3 chở 4. Không biết vui hay buồn gì, cứ lên xe là chạy thôi. Không có giấy phép lái xe đâu”.

Ông Kpui Chul – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng, Đức Cơ, Gia Lai cũng cho biết: “Hay đua đòi với bạn bè, thấy bạn bè đi xe gì thì muốn có cái đó. Nhà dù nghèo nát thế nào nhưng bắt ba mẹ phải mua cho. Cái đó thứ nhất, thứ 2 nữa là dù mẹ có một miếng đất thôi, mẹ không mua là tôi tự tử”.

Gia Lai có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%, đời sống của nhiều gia đình còn gặp khó khăn; vì vậy, tai nạn giao thông đã để lại gánh nặng cho không ít gia đình..

May mắn thoát chết sau vụ tai nạn giao thông cách đây gần 1 năm, Siu Chiêu (sinh năm 2001) giờ vẫn đang trong tình cảnh thế này, thân hình ngày càng teo tóp. Thương con, nhà nghèo, bố mẹ Chiêu đã phải bán nhà để chữa trị cho con, nhưng bệnh tình của Chiêu vẫn không giảm.

Anh Siu Chiêu – Làng Thơ Ga B, xã Chư Don, Chư Pưh, Gia Lai nói: “Bạn bè đi chơi, mình thì nằm một chỗ thấy buồn. Ngày nào cũng buồn, muốn đi chơi không được. Giờ quá hối hận, biết như vậy không muốn đi nhanh đâu”.

Ông Rơ Mah Xuân ( Bố Siu Chiêu) – Làng Thơ Ga B, xã Chư Don, Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Giờ nó nằm một chỗ thế này thương nó lắm. Mẹ nó thì đi làm ở xa. Một mình mình vừa chăm nó, vừa chăm các em của nó, giờ không biết làm sao”.

Trước tình hình tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dân tộc thiểu số diễn biến phức tạp,  Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai đã làm việc với các địa phương, các ngành liên quan để phân tích thực trạng, nguyên nhân; qua đó kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ông Lê Văn Hạnh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết: “Tham mưu cho UBND tỉnh để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp chính quyền, cũng như người đứng đầu các tổ chức thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh là sâu sát hơn nữa. Đặc biệt đối với các già làng, trưởng bản chú trọng khuyên bảo các cháu thanh thiếu niên và có cam kết của cha mẹ, phụ huynh khi giao xe cho con là phải đảm bảo an toàn giao thông”.

Tai nạn giao thông, nỗi đau không của riêng ai; tại TP.Pleiku một Hội thảo chuyên đề về kiềm chế tai nạn giao thông trong thanh thiếu niên dân tộc thiểu số đã được Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức với sự tham gia của Ban An toàn giao thông các tỉnh trong khu vực.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: “Tính mạng con người là trên hết, đặc biệt là sinh mạng của tuổi trẻ. Công an các huyện phải tăng cường tuần lưu đến các xã, vào ban đêm, vào các thời điểm mà người ta thường hay vi phạm để tạo sức răn đe và phải xử lý nghiêm. Đấy là cách tuyên truyền tốt nhất, hiệu quả nhất. Đảng viên, cán bộ, người có uy tín phải là người gương mẫu nhất trong thực thi pháp luật”.

Quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông trong thanh thiếu niên dân tộc thiểu số; từ ngày 15/3/2021 Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an tỉnh mở đợt cao điểm tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương rà soát, gọi hỏi răn đe cá biệt trên 2000 thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết không tái phạm.

Anh Rmah Phước – Làng Plei A Min, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Trước đây hay phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm. Giờ được công an tuyên truyền, tôi xin ký cam kết khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh vượt ẩu, không sử dụng rượu bia”…

Cùng với đó, một giải pháp đang được tỉnh Gia Lai chú trọng là đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Gia Lai đã cấp 4.059 giấy phép lái xe hạng A1 cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Anh Suil – xã Đăk Yă, huyện Mang Yang, Gia Lai  chia sẻ: “Được học, được thi, được cấp giấy phép lái xe hạng A1 tôi rất yên tâm. Bản thân nắm vững được Luật Giao thông đường bộ,  điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ an toàn hơn”.

Lái xe an toàn là mong muốn của tất cả mọi người; Thế nhưng bài học và nỗi đau của tai nạn giao thông để lại thì vẫn còn đó. Với Siu Chiêu ở xã Chư Don, huyện Chư Pưh, năm nay vừa tròn 20 tuổi thì hậu quả từ vụ tai nạn giao thông mà em tự gây ra chưa biết bao giờ mới hết….

 Khắc Quang – Đoàn Bình – Thanh Sáng

 


Lượt xem: 20

Trả lời