05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX tỉnh Gia Lai khóa V (nhiệm kỳ 2016-2020)

Cập nhật 28/10/2020, 10:10:45

05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX tỉnh Gia Lai khóa V (nhiệm kỳ 2016-2020), phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều đổi mới quan trọng. Kinh tế HTX tiếp tục khẳng định được vai trò, sự cần thiết và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và làm nền tảng cho tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chào mừng Đại hội Liên minh HTX tỉnh Gia Lai lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025; chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế HTX của tỉnh qua 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020.

Kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá; các ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn – đây được xem là nhân tố thuận lợi cho kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục phát triển trong 05 năm qua.

Đặc biệt, với nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể như: Chỉ thị số 09 ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp đẩy mạnh phát triển HTX trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 02 ngày 12/01/2017 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển HTX trên địa bàn tỉnh; hay Chỉ thị số 06 ngày 11/7/2018 của UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012… đã tác động thuận lợi để các HTX trên địa bàn tỉnh từng bước đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tính đến ngày 15/7/2020, toàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX và 287 HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, thương mại và quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó có 265 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với tổng số vốn 527 tỷ đồng, tổng số thành viên là 17.624 người. So với giai đoạn trước tăng 197 HTX, doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Mậu Phong – Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho biết: “ Liên minh HTX tỉnh đã tích cực nỗ lực phối hợp với nhiều ngành chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các cơ chế chính sách phù hợp với địa bàn của tỉnh và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách đó. Ví dụ như về hỗ trợ thành lập HTX theo Luật HTX năm 2012”.

Chiếm tỷ lệ lớn và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây đó là các HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 229 HTX nông nghiệp (chiếm gần 80% tổng số HTX của tỉnh), tăng 172 HTX so với cuối năm 2016. Tập trung thực hiện tốt các khâu “đầu vào” phục vụ sản xuất, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề; nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được “đầu ra” tiêu thụ nông sản cho người nông dân; tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho các thành viên.

Ông Trương Thanh Hoài – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ho ài Trương, huyện Chư Sê  cũng cho biết: “Chúng tôi thấy rằng đây là một trong những loại hình rất hay để cho nông dân có thể tự mình làm ra được những sản phẩm và nâng giá trị  chính sản phẩm của mình lên; từ đó nâng cao được giá trị sau mỗi vụ thu hoạch và đời sống thành viên HTX cũng sẽ ngày càng được nâng lên”.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế, nhiều HTX nông nghiệp đã và đang dần tiếp cận ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như tưới nhỏ giọt trên cây trồng, phun tưới tự động cho vườn cây ăn quả, trồng cây trong nhà lưới kết hợp phun sương hay sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có chứng nhận truy xuất nguồn gốc…; đồng thời tham gia sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, phát triển HTX theo mô hình kiên kết chuỗi giá trị trong những năm gần đây đã giúp nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh chuyển đổi cây trồng, thay đổi tập quán canh tác để tạo ra các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao; đảm bảo sản phẩm làm ra tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Ông Hà Văn Kiếm – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong, huyện Đak Đoa  nêu: “Giờ mà không làm theo chuỗi giá trị này thì cà phê bán không có giá. Làm theo chuỗi giá trị này nếu không làm ra cà phê bột hay chỉ xuất cà phê thô thôi thì nó cũng sẽ gấp rưỡi, gấp đôi hoặc gấp 3 phụ thuộc theo chất lượng”.

Bà Nguyễn Tuyết Hoa – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát, huyện Đak Pơ cho biết: “HTX An Trường Phát thành lập theo xu hướng liên kết với bà con và mục tiêu là như vậy nên trong quá trình làm từ 2018 đến nay, nhiều khó khăn xảy ra nhưng mà vẫn bám đuổi theo mục tiêu đó để tạo ổn định cho bà con về vấn đề giá cả và sản lượng; rồi thì nơi mà mình cung cấp ngoài thị trường thì họ cũng được ổn định về vấn đề giá cả và sản lượng luôn. Từ đó mình thấy cái chuỗi như thế rất là ổn định và mình theo đuổi mục tiêu đó làm luôn”.

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có; phát triển HTX ở Gia Lai có thể không thua kém bất kỳ địa phương nào trên cả nước. Và để hiện thực con đường phát triển của kinh tế HTX, hội nghị triển khai thực hiện các mô hình HTX kiểu mới đã được tỉnh Gia Lai tổ chức vào đầu tháng 8/2019 chính là khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc tiếp tục triển khai thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện các mô hình HTX kiểu mới, nhiều chính sách đặc thù khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn cũng được tỉnh ban hành như hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh cho người tốt nghiệp đại học trở lên về làm việc tại HTX nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng một số mô hình HTX điểm…

Đặc biệt, điểm nổi bật trong phát triển HTX ở Gia Lai giai đoạn 2016-2020 đó là triển khai thực hiện mô hình Nông hội theo yêu cầu chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên cơ sở lấy ý tưởng từ mô hình Hội quán của tỉnh Đồng Tháp. Mô hình được xem là hướng đi mới với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Chính thức được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng từ tháng 8/2019 sau hội nghị triển khai thực hiện các mô hình HTX kiểu mới được tổ chức; đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thành lập được hơn 34 nông hội tại tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố với hơn 1.280 thành viên. Ra đời dựa trên sự tự nguyện tham gia của người dân, cơ chế hoạt động không biên chế, không ngân sách; mô hình Nông hội giúp người nông dân phát huy tính năng động, sáng tạo trên tinh thần tự lực, tự quản, tự chủ; là nơi bàn bạc giữa bà con nông dân và doanh nghiệp về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như là nơi bà con nông dân chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả… tiến tới hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới, đa dạng các loại hình phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Phước Thiện – Thành viên Nông hội cây ăn quả xã Ia Blang, huyện Chư Sê nói: “Anh em hội họp lại để mà học hỏi, chia sẻ nhau mà làm. Tham gia thì cũng tốt thôi vì người ta làm có gì sai sót thì người ta chia sẻ, mình biết mình tránh. Người ta làm được gì thì mình học hỏi mình làm”.

Anh Trần Văn Nhàn – Chủ nhiệm Nông hội Rau an toàn xã Tân Bình, huyện Đak Đoa cũng cho biết: “Thật sự khi mà chưa thành lập nông hội thì anh em thành viên trước giờ vẫn sản xuất rau theo kiểu hộ gia đình nhưng sản phẩm làm ra cũng rất bấp bênh. Với nông hội thì anh em sẽ làm theo phương thức sản xuất chung, đó là sản xuất theo hướng an toàn; sản phẩm sẽ có cơ hội nhiều hơn trên thị trường”.

Là một trong những chủ thể thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (còn gọi là chương trình OCOP) gắn với xây dựng Nông thôn mới; cùng với kinh tế tư nhân, 05 năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm theo chuẩn OCOP. Đến cuối năm 2019, trong tổng số 45 sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận thì có 12 sản phẩm của 09 HTX. Để nâng tầm các sản phẩm OCOP, hầu hết các HTX đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn mác phù hợp và đặc biệt là đã chủ động trong mở rộng sản xuất, tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm với mục đích đẩy mạnh liên kết xúc tiến thương mại; phát triển và mở rộng thị trường cho sản phẩm. Phát triển HTX theo con đường OCOP đã và đang mở ra cơ hội để các sản phẩm OCOP của các HTX tại địa phương thêm cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Anh Lê Hữu Anh – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh, xã Glar, huyện Đak Đoa khẳng định: “Chúng tôi cũng đã nỗ lực rất nhiều và đến hôm nay thì sản phẩm cà phê của HTX đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Hiện tại chúng tôi cũng đang xúc tiến các thủ tục để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh”.

Xác định phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX là đòi hỏi khách quan của nền kinh tế thị trường; do đó cùng với củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế HTX, nhất là HTX nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương thì đồng thời cũng cần phải phát triển mạnh và đa dạng các HTX trong mọi lĩnh vực, ngành nghề; công tác tuyên truyền về phát triển HTX kiểu mới cũng như các chính sách về HTX cần đi vào chiều sâu; và đặc biệt Liên minh HTX tỉnh cần thể hiện được vai trò của mình với những chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh XHTX tỉnh trong thời gian tới; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; thúc đẩy phát triển kinh tế HTX của tỉnh.

Ông Nguyễn Mậu Phong – Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2020-2025 thì kế hoạch xây dựng là hằng năm thành lập mới từ 25-30 HTX và trong nhiệm kỳ thì thành lập ít nhất 1 Liên hiệp HTX, thu nhập bình quân của thành viên hàng năm tăng 10-15%///Thì một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là phải xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HTX. Trung ương cũng rất quan tâm đến các HTX trên địa bàn Tây Nguyên, có những chính sách đặc thù, chính sách cụ thể để tranh thủ những nguồn vốn của TW, của tỉnh hỗ trợ cho HTX nhằm vực dậy các HTX để có bước mới và phát triển hiệu quả hơn so với nhiệm kỳ trước”.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về vị trí và vai trò của kinh tế tập thể, HTX theo tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa IX) và Kết luận số 70 ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa IX); với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020, Gia Lai sẽ tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để tiếp tục đưa kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX thực sự trở thành thành phần kinh tế có đóng góp quan trọng và bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm tới./.

Mỹ Tiến –  R’Piên


Lượt xem: 50

Trả lời